Thực hiện nghị định số 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu đã phối hợp kịp thời với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đẩy mạnh chương trình cho vay tạo việc làm. Từ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2022, tính đến ngày 31/12/2022 tổng doanh số cho vay trên địa bàn Thành phố Bạc Liêu đạt 57 tỷ đồng, với 1.861 khách hàng được vay vốn.
Nguồn vốn cho vay tạo việc làm, hỗ trợ và mở rộng việc làm đã tạo việc làm cho trên 6.000 lao động có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình ở tại địa phương; thực hiện cho vay cải tạo hơn 28.500 mét vuông đất trồng lúa, phát triển đàn gia súc, gia cầm gần 220 ngàn con; đầu tư để trồng màu các loại gần 12.000 mét vuông ; đầu tư nuôi trồng thủy sản hơn 01 triệu con giống tôm, cá, sò huyết...; mở rộng hàng trăm mét vuông nhà xưởng sản xuất, cửa hàng kinh doanh; đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; duy trì và phát triển được nhiều mô hình làm ăn, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Vốn tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp giải quyết việc làm cho người nghèo và các đội tượng chính sách khác, nhất là tại các khu vực nông thôn của Thành phố Bạc Liêu, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, hạn chế vay nặng lãi (tín dụng đen), qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn trên, Thành phố Bạc Liêu đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ vay thiếu việc làm có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cùng với các nguồn lực để tập trung đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới như: đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia,... Nguồn vốn tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp cho người lao động giảm được tỷ lệ thất nghiệp, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. từ đó góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thông qua việc cho vay tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp sẽ hạn chế được các tệ nạn xã hội đối với những đối tượng không có việc làm, thất nghiệp. Khi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế hộ gia đình thì sẽ có được hy vọng và thấy được khả năng thoát khỏi cảnh nghèo, khó và họ sẽ cố gắng để thực hiện sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống,... từ đó không tham gia vào các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Từ việc đẩy mạnh chương trình cho vay tạo việc làm đã góp rất lớn cho công tác giảm nghèo của thành phố. Kết quả, đến cuối năm 2022, thành phố có 138 hộ thoát nghèo (đạt 138%), 464 hộ thoát cận nghèo (đạt trên 154%).
Hồng Thơ