Thành phố Bạc Liêu: Kết quả sau 10 năm thực hiện Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng trên địa bàn thành phố Bạc Liêu
Trong những năm qua, cấp uỷ các cấp trong thành phố Bạc Liêu luôn xác định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng là một hình thức hoạt động có hiệu quả, một công cụ sắc bén để tổ chức, tập hợp quần chúng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới", trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Bạc Liêu luôn quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Hàng năm, cấp ủy các cấp luôn quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, đội ngũ báo cáo viên thành phố Bạc Liêu có 20 đồng chí, 820 tuyên truyền viên cấp cơ sở (trong đó cấp thành phố có 220 đồng chí, phường xã có 600 đồng chí). Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; nhiệt tình, tâm huyết với công việc, có ý thức tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn. 100% các đồng chí báo cáo viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.
Các lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên thành phố và phường, xã mỗi năm thực hiện hơn 1.500 buổi báo cáo như: triển khai Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV, XV của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội lần thứ X, XI của Đảng bộ thành phố, phường, xã; đồng thời báo cáo trong các hội nghị thường niên của Thành ủy, tổng kết năm của UBND thành phố và các ngành, triển khai, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương, đơn vị có hơn 100.000 lượt người dự/năm.
Ngoài ra, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trực thuộc Thành ủy còn tích cực tham gia các phong trào và đạt nhiều giải cao như thi báo cáo viên giỏi về kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phục vụ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thi báo cáo viên giỏi về “Dân vận khéo”; thi giảng viên lý luận chính trị giỏi. Trong đó nổi bật là các cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo hiệu ứng tích cực cho công tác tuyên truyền miệng.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã trở thành lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ và ngày càng có những đóng góp tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tư tưởng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng trước các luận điểm sai trái và âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Từ kết quả đó đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà đại hội đảng bộ các cấp đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn thành phố vẫn còn có những hạn chế. Cụ thể, một số thông tin chưa được cung cấp kịp thời, nhất là các thông tin thời sự trong nước và quốc tế, những vấn đề xã hội quan tâm, các dự án trọng điểm, công tác bồi thường thu hồi đất thực hiện dự án…làm hạn chế công tác tuyên truyền miệng. Công tác tổ chức, thành lập, quản lý lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên có lúc chưa đi vào nề nếp theo quy định; một số cấp ủy Đảng chưa quan tâm thường xuyên đến việc kiện toàn, bổ sung số lượng cho đội ngũ này. Hoạt động tuyên truyền miệng của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên thiếu thường xuyên. Đội ngũ báo cáo viên tuy đã được tổ chức và đi vào hoạt động khá nề nếp nhưng chất lượng, hiệu quả chưa đạt yêu cầu của tình hình mới, do khả năng nắm bắt, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn chậm; ít được bồi dưỡng, trao dồi những kiến thức, phương pháp mới cần thiết.
Nguyễn Thanh