Trước thế kỷ XX, cổ nhạc ở Bạc Liêu đã hình thành và phát triển khá mạnh, nhưng vì còn mang tính gia truyền tự phát nên chưa phát huy được vai trò và chức năng quan trọng của nó. Mãi đến thập kỷ cuối thế kỷ XIX, mới có ông Lê Tài Khí (thường gọi là Nhạc Khị), là người đầu tiên đứng ra thành lập Ban cổ nhạc Bạc Liêu. Lúc đầu ban nhạc này chỉ có một bộ phận duy nhất là tập thể thầy đờn chuyên phục vụ các đám ma chay, tế lễ.
Vài năm sau đó, để đáp ứng theo yêu cầu của một số người hâm mộ, ban nhạc của Nhạc Khị dần dần được bổ sung những người biết ca để ca phục vụ sau giờ hành lễ. Từ khi ban nhạc có thêm bộ ca thì phạm vi hoạt động cũng được mở rộng sang các đám cưới, tiệc tùng, liên hoan, khánh tiết… Và cũng từ đó, cái tên Đờn ca tài từ Bạc Liêu được dùng để gọi loại hình hòa tấu tổ nhạc “vừa đờn vừa ca”, để phân biệt với nhạc lễ chỉ có đờn mà không có ca. Và phong trào Đờn ca tài từ ngày càng được nhân rộng, lực lượng đờn và ca ngày càng được củng cố hơn để bổ sung nhiều tài tử đờn và tài tử ca nhằm đáp ứng nhu cầu càng ngày càng tăng của mọi người.
Nhạc Khị- Người lập ra ban nhạc Bạc Liêu là một người tàn tật, ông bị mù cả 02 mắt, liệt một bên chân. Ông đã có công hiệu đính, hệ thống lại 20 bản tổ phân chia thành 04 loại: Ba Nam, Sáu Bắc, Bốn Oán, Bảy Bài. Ông còn sang tác bốn bản mới là Ngự giá đăng lâu, Minh Hoàng thưởng nguyệt, Phò mã giao duyên và Ái tử kê đã được giới cổ nhạc tôn xưng là Tứ Bửu (bốn món báu vật).
Từ đó, sáng tác đã trở thành một phòng trào, học trò ông đã theo sự hướng dẫn của ông đua nhau sang tác và đã có nhiều bản mới như Thu Phong, Dạ cổ hoài lang, Giọt mưa đêm…của Cao Văn Lầu; Tam Quan Nguyệt, Xuân nữ của Ba Chột; Cổ thi của Bảy Kiên; Hận tình,Thu cúc của Trịnh Thiên Tư. Đặc biệt, bản vọng cổ sau khi ra đời đã phát triển rất mạnh, chẳng bao lâu đã chiếm một vị thế quan trọng trong đờn ca tài tử từ trong nước đến các nước ngoài, người ta còn gọi Vọng cổ là bài ca “Vua” trên sâu khấu cải lương.
Về phần bài ca (lời ca), có nhiều bài nói về lịch sử như An Dương Dương (Phú lục), Nhà Triệu nước Nam (Bình bán chấn), Đinh Tiên Hoàng (Xàng xê)...; phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ có những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như Đứa trẻ mồ côi (Liêu giang), Dạ cổ Hoài Lang.
Nói tóm lại, Phong trào Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu ngay từ đầu thế kỷ XX đã chiếm một vị trí lớn trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và cứ phát triển theo thời gian càng lúc càng rộng. Đây là một trong những công cụ để cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân cũng là cơ sở của phong trào ca ra bộ và sân khấu cải lương sau này.
Có thể nói, sau khi Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Bạc Liêu được đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên vào năm 2014, loại hình này được phát triển rầm rộ hơn.
Hiện nay, Thành phố Bạc Liêu, có rất nhiều tài tử ca cũng như tài tử đờn, có nhiều gia đình tài tử, nhiều Câu lạc bộ Đờn ca tài tử được hình thành và phát triển từ các phường, xã, khóm ấp đến các trường học. Phong trào Đòn ca tài tử được giữ gìn và phát huy rộng khắp, các em học sinh tiểu học cũng dần được tiếp cận qua các lớp dạy Đờn ca tài tử. Nhiểu hội thi, hội diễn, giao lưu được tổ chức thường xuyên, tạo sân chơi sôi nổi và trau dồi them kinh nghiệm cho các tài tử trên địa bàn. Một số tài tử tiêu biểu như Thanh Sử, Quốc Dũng, Trác Tuấn An, Hoàng Trắng, Hoàng Thắng, Thanh Trực... Đặc biệt, có nhiều tài tử lớn tuổi như tài tử Hoàng Triều 89 tuổi ở Phường 7, tài tử Minh Chiếu ở phường 5, tài tử nhỏ tuổi Tú Sương 12 tuổi ở phường 5.
Trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có 18 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử đang hoạt động với 270 thành viên; có 04 nghệ nhân được Nhà nước phong tăng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Phong trào Đờn ca tài tử thành phố luôn đi đầu trong các huyện, thị xã tại các Liên hoan, Hội thi của tỉnh. Điển hình là tháng 10 vừa qua, Thành phố Bạc Liêu có 02 đội tham gia Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu năm 2018, thì cả 02 đội đều giành được giải A toàn đội. Đó chính là sự cỗ vũ rất lớn cho phong trào Đờn ca tài tử Thành phố Bạc Liêu và góp phần đưa phong trào của toàn tỉnh ngày càng nâng chất và phát triển.
Thiên An