Ủy ban thành phố Bạc Liêu: Chỉ đạo thực hiện công tác về phòng ngừa, ứng phó triều cường, khắc phục hậu quả thiên tai và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Bạc Liêu
Công tác phòng ngừa, ứng phó triều cường, khắc phục hậu quả thiên tai và bảo vệ môi trường luôn được lãnh đạo thành phố xem là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020, Quyết định số 987/QĐTTg ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Kế hoạch số 03-KH/TU ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Bạc Liêu cần phải làm tốt việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, đề ra giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện đạt kết quả cao nhất theo chỉ đạo nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cán bộ, đảng viên từ thành phố đến phường, xã và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành. Tiếp tục triển khai, tuyên truyền Đề án 1002 của Chính phủ về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” cho cán bộ, lực lượng xung kích và người dân cấp xã, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh, xây dựng nông thôn mới và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, như: Luật phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Đê điều năm 2006, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012,...và các Nghị định có liên quan; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác dự báo, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;
Tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cấp huyện, xã theo hướng chuyên trách, đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tham mưu và xử lý tình huống.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở; Lập kế hoạch, phương án cụ thể và khẩn trương di dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, nhất là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh, siêu bão; vùng ngập nặng gắn với sinh kế bền vững, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai; Chú trọng và làm tốt công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng phá rừng nhằm nâng cao độ che phủ và tăng thảm thực vật, hạn chế mưa lớn gây lũ và sạt lở đất.
Phân công trách nhiệm và xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo tính khả thi, thiết thực, sát thực tế xảy ra; di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, bờ biển, sườn đồi và các nguy cơ thiên tai khác; ứng phó hiệu quả tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Cập nhật thông tin, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động của thiên tai để kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm; rà soát lại cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trên từng vùng, địa phương. Quy định rõ về cơ chế bồi thường, mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng vi phạm.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của từng ngành, từng cấp. Xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của địa phương, đơn vị.
Thảo Vy