Virus nCov
Tiếp nhận phản ánh kiến nghị
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Quảng trường Hùng Vương - nâng cao chất lượng điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long

Tin tức - Sự kiện
Th 6, 21/08/2020, 22:40
Màu chữ Cỡ chữ
Quảng trường Hùng Vương - nâng cao chất lượng điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có 08 điểm du lịch được Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Trong đó, Quảng trường Hùng Vương được khánh thành vào tháng 4 năm 2014 nhân dịp tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất và được Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu vào ngày 31 tháng 10 năm 2014 và được công nhận lại vào ngày 31 tháng 10 năm 2017.

Quảng trường Hùng Vương nằm ngay tại trung tâm thành phố Bạc Liêu, ngay tại mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Tất Thành – Hùng Vương – Trần Huỳnh. Đây là một công trình văn hóa – nghệ thuật nổi tiếng của tỉnh, được Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá là sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, có khả năng hấp dẫn du khách gần xa đến tham quan và chiêm ngưỡng ngày càng cao với nhiều công trình mang kiến trúc và chất nghệ thuật đặc sắc như: Cây đờn kìm, Biểu tượng 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer, Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu- Ninh Bình, hệ thống cây xanh…Ngoài ra, xung quanh Quảng trường Hùng Vương còn có các công trình văn hóa nghệ thuật khác gồm: Trung tâm Triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968.

Nổi bật nhất là cây đờn kìm - biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu, vươn lên từ những cánh sen được ghi tên vào sách Kỷ lục Việt Nam, có đài phun nước nghệ thuật với 68 vòi phun cao từ 1,5m đến 3m. Hình ảnh này thể hiện nét văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu nằm trong dòng chảy ngàn năm văn hiến của dân tộc, hoa sen nở rộ thể hiện sự trường tồn và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói chung, của văn hóa mang đậm bản sắc miền đất Bạc Liêu nói riêng, hệ thống chiếu sáng và nghệ thuật phun nước ở hồ sen cùng được thiết kế tạo điểm nhấn cho Quảng Trường.

Biểu tượng ba dân tộc: gồm ba khối tượng được tạo hình với nghệ thuật cách điệu tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó, chung sức chung lòng xây dựng  của cộng đồng ba dân tộc Kinh – Hoa – Khơmer từ thời mở đất và dựng xây, phát triển quê hương Bạc Liêu.

Công trình Tượng đài sự kiện Mậu Thân là sự chất lọc ý nghĩa về những sự kiện tiêu biểu diễn ra trên vùng đất Bạc Liêu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu được xây dựng trên đường Trần Huỳnh cạnh Quảng trường Hùng Vương. Đây là những công trình mang giá trị lịch sử to lớn, đồng thời thể hiện tấm lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử - văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nơi đây, thường xuyên đón tiếp các đoàn lãnh đạo, cán bộ các tỉnh trong và ngoài khu vực, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đến viếng và thắp hương tưởng niệm. Trong 03 năm qua, thành phố đã đón tiếp và phục vụ trên 50 Đoàn đến viếng tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968 với hơn 1.000 lượt người.

Được đặt tại vị trí trang trọng và trung tâm của Quảng trường đó là cột cờ cao hơn 20m, với là cờ đỏ sao vàng – Quốc kỳ thiêng liêng của Tổ quốc. Tại nơi đây, mỗi sáng thứ 2 đầu tuần của mỗi tháng đều diễn ra lễ chào cờ với sự tham gia của các vị lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Phía bên dưới cột cờ có sân phun nước nghệ thuật với sàn phun gồm 03 đoạn, 68 vòi phun cao từ 1,5 đến 3m. Số vòi ứng với con số Lộc phát” cầu mong sự phồn thịnh và phát triển không ngừng cho miền đất này và cho du khách đến với Bạc Liêu. Các vòi phun với những tia nước có độ cao thấp khác nhau theo 09 chương trình phun nước tạo nên yếu tố “động” cho Quảng trường; tạo nên những “vũ điệu nước” sống động thể hiện nhịp sống năng động và hiện đại của một thành phố trẻ.

Nhà hát Cao Văn Lầu - điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá văn hóa Bạc Liêu, là một công trình kiến trúc đã được xác lập kỷ lục "Nhà hát Cao Văn Lầu có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam", được xem là trái tim của con đường Hùng Vương nơi nó tọa lạc. Nhà hát ra đời để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với nhạc sĩ Cao Văn Lầu và hy vọng ông sẽ tiếp thêm lửa nghệ thuật cho những thế hệ con cháu về sau. Hàng tuần, Nhà hát Cao Văn Lầu tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu cải lương phục vụ nhân dân và du khách vào tối thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, là một trong những địa chỉ thu hút người dân và du khách đến với Quảng trường Hùng Vương.

Với những lợi thế đó, trong những năm qua thành phố thực hiện tốt việc quản lý, khai thác quảng trường Hùng Vương. Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí được mở từ 18h đến 23h tất cả các ngày trong tuần để phục vụ tốt cho việc tham quan, vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... cho người dân trên địa bàn và du khách đến tham quan du lịch; màn hình Led được mở thường xuyên, liên tục nhằm tuyên truyền có hiệu quả các sự kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, thành phố. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, thời gian phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách với hệ thống cây xanh xung quanh Quảng trường Hùng Vương được quan tâm chăm sóc định kỳ, thường xuyên, liên tục đảm bảo đẹp mắt, hài hòa tạo môi trường thông thoáng, trong lành, góp phần tăng vẻ mỹ quan trong khu vực Quảng trường Hùng Vương.

Tại đây vào mỗi buổi sáng, chiều khoảng 18.000 lượt người dân tập trung sinh hoạt thể dục rèn luyện sức khỏe như: đi bộ, tập thể dục thẩm mỹ...còn là nơi vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi như: tập nhảy, trượt patin, tổ chức sinh hoạt nhóm, đội văn nghệ… Trong thời gian qua, điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long - Quảng trường Hùng Vương thu hút lượng khách đến tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí rất đông, bình quân khoảng 1.000 lượt khách/ngày (những ngày cuối tuần, lễ, tết tăng gấp đôi).

Có thể nói, quần thể các công trình văn hóa nghệ thuật và Quảng trường Hùng Vương thật sự là điểm nhấn trong tổng thể không gian đô thị của thành phố Bạc Liêu – một đô thị loại II, là nơi sinh hoạt cộng đồng độc đáo, ý nghĩa. Để các công trình này sử dụng được lâu dài, phát huy tối đa ý nghĩa của nó, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, rất cần có sự chung tay chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ của tất cả các tầng lớp nhân dân. Chính vì lẽ đó, ngày 07 tháng 5 năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 125/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, khai thác Quảng trường Hùng vương nhằm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực như: hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, quảng cáo,...qua đó nhằm khai thác, phục vụ phát triển du lịch.

Theo các tiêu chí của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thì Quảng trường Hùng Vương hội đủ các quy định và ngày càng nâng cao chất lượng của điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long.

                                                              

M. NƯƠNG

​​​​​​​​​​​​​​

Số lượt xem: 1386

Liên kết web
Dịch vụ công TP Bạc Liêu
Đến tháng 7/2020 đã giải quyết
%
Hồ sơ đúng hạn
Tự động cập nhật lúc 11:42 ngày 20/07/2020
18 Điều Quy Định Về Xây Dựng Nếp Sống Văn Minh Đô Thị Trên Địa Bàn Thành Phố Bạc Liêu 90 bài hát sáng tác trước năm 1975 chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến trên toàn quốc   Góp ý website
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ BẠC LIÊU
Đơn vị quản lý:Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Bạc Liêu
Đường 30/4 – Phường 3 – Thành phố Bạc Liêu: Điện thoại: 0291.3827530
Email: bbttp@baclieu.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu
Biên tập: Bà Đỗ Ái Lanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Bạc Liêu