Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai mùa mưa bão năm 2020. Ngày 23/10/2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành văn bản số 02-CV/TU về Tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, những ngày vừa qua, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xãy ra mưa to và gió lớn, gây thiệt hại về sản xuất và đời sống của nhân dân. Tính đến ngày 16/10/2020, tổng diện tích lúa bị ngập úng và bị sập là 17.067 ha; tổng số nhà thiệt hại do lốc xoáy là 03 căn. Theo dự báo, trong những ngày tới, khu vực miền Trung tiếp tục xãy ra mưa bão trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Bạc Liêu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 138-KH/TU, ngày 25/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.
2. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời; khẩn trương chỉ đạo các biện pháp bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân. Chỉ đạo rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là khu vực ven biển, ven sông, khu vực có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng bị ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm khi có cảnh báo thiên tai xãy ra trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân.
3. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát, xây dựng phương án, kịch bản chủ động ứng phó với mưa bão; tăng cường trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành được thông suốt trong các tình huống xấu có thể xảy ra.
4. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với mưa bão, không để bị động và đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức điều tra, thống kê mức độ thiệt hại, hỗ trợ kinh phí để người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, phục hồi sản xuất.
5. UBND cấp huyện phối hợp ngành Nông nghiệp triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, điều tiết nước kịp thời để giảm ngập úng đối với diện tích sản xuất nông nghiệp; đồng thời, huy động lực lượng xuống địa bàn giúp dân, hướng dẫn các biện pháp chống ngập úng…
6. Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì, bố trí tối đa các lực lượng, phương tiện để sãn sàng cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ di dời dân khi có tình huống xãy ra.
7. Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các Đài Truyền thanh cấp huyện tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão (nếu có) và phổ biến kỹ năng ứng phó với bão để người dân biết chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
B.Lộc