Thành phố Bạc Liêu: Triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025
Vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2020 về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025.
Kế hoạch đề ra các nội dung cần tập trung thực hiện nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm, ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh góp phần giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn, môi trường.
Trước hết là chăn nuôi lợn an toàn sinh học
Kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương khi tái đàn, đảo bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật chăn nuôi; Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế.
Tổ chức nuôi tái đàn lợn
Chỉ tổ chức nuôi tái đàn lợn tại các hộ hoặc cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi hoặc tại các hộ hoặc cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đối với các hộ hoặc cơ sở chăn nuôi lợn phải kê khai với Ủy ban nhân dân phường, xã trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y. Đối với Ủy ban nhân dân các phường, xã và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp thành phố tổ chức kiểm tra, xác định điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Giám sát dịch bệnh
Các hộ hoặc cơ sở chăn nuôi, mạng lưới thú ý phường, xã chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn; trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn không rõ nguồn gốc thì báo Ủy ban nhân dân các phường, xã và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp thành phố. Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức thực hiện chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút dịch tả lợn Châu Phi tại cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi, chợ buôn bán, cơ sở kinh doanh, cơ sở giết mổ lợn, cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ lợn, môi trường chăn nuôi tại các địa bàn có nguy cơ cao.
Tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Biện pháp tiêu hủy: UBND thành phố lựa chọn và áp dụng các biện pháp tiêu hủy lợn bệnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, cần thực hiện các nội dung như: kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn; quản lý giết mổ lợn và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khi chưa có dịch xảy ra và khi xảy ra dịch. Đặc biệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thông qua các hình thức phù hợp, hiệu quả.
M. NƯƠNG