TP. Bạc Liêu: Ban hành Kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố
Kế hoạch được triển khai nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai, đảm bảo hiệu quả và đồng bộ công tác phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn thành phố trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo nội dung kế hoạch, một số nhiệm vụ và giải pháp được tập trung thực hiện như sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện theo nguyên tắc “phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Thường xuyên lồng ghép, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tác hại của thiên tai và các biện pháp phòng tránh, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trong quá trình thực hiện phải lưu ý ưu tiên đến khu vực ven biển.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Rà soát các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn không còn phù hợp để tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo hướng khắc phục sự chồng chéo, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ. Phải đặt yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở vị trí quan trọng trong lập quy hoạch, kế hoạch, chiến lược kinh tế - xã hội của địa phương. Lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai; kịp thời dự báo, cảnh báo thiên tai cho nhân dân chủ động ứng phó. Thường xuyên rà soát, cập nhật, theo dõi tình hình diễn biến thực tế của Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phương án phòng chống bão mạnh và siêu bão; phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro đối với một số loại hình thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn thành phố.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đảm bảo nguồn chi từ ngân sách thích đáng kết hợp với đa dạng hóa các nguồn đầu tư khác để phục vụ cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội, từ các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Rà soát, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng; chủ động ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở…Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển.
Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và lực lượng xung kích tại cơ sở; đồng thời, có chính sách đầu tư nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đầu tư trang thiết bị thiết yếu cho các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hơn nữa vai trò tập hợp lực lượng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, cứu trợ để khắc phục thiên tai.
Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Thành ủy tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung Kế hoạch; Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của thành phố và tổ chức chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan thực hiện có hiệu quả. Tranh thủ sự lãnh đạo và hỗ trợ về nguồn lực của tỉnh cho thành phố trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan trong khối tuyên truyền của thành phố, bằng nhiều hình thức và phương pháp thích hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và thường xuyên đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
Nguyễn Thanh